024 668 996 96 Tổng đài miễn phí
0

Tốc độ làm tươi màn hình (refresh rate) quan trọng như thế nào?

Cập nhật: 09-03-2023 03:10:06 | TIN TỨC CÔNG NGHỆ | Lượt xem: 3618

Khi chọn mua màn hình máy tính mới, có rất nhiều yếu tố mà bạn cần phải cân nhắc như kích thước, độ phân giải, tỉ lệ màn hình… Trong đó, có một yếu tố thường bị mọi người bỏ quên (hoặc không hiểu bản chất thực sự đằng sau), đó là tốc độ làm tươi màn hình (refresh rate).

Tốc độ làm tươi màn hình (refresh rate) là gì?

Tốc độ làm tươi màn hình là số lần hình ảnh trên màn hình được cập nhật trên một giây. Thông số này được đo bằng đơn vị Hertz (Hz) (đọc là "héc"). Trên thực tế, những gì mà bạn thấy hiển thị trên màn hình máy tính không phải là hình ảnh động thay đổi liên tục, mà là một chuỗi các hình ảnh tĩnh được chiếu lên với tốc độ rất nhanh, tạo cho mắt bạn cảm giác như chúng là những hình ảnh chuyển động thực sự.

Tốc độ làm tươi cao đồng nghĩa với việc có nhiều hình ảnh được chiếu lên màn hình hơn trong cùng một đơn vị thời gian, hay nói cách khác, có nhiều thông tin đến được với mắt của bạn trong cùng một thời điểm. Nhờ đó mà hình ảnh chuyển động trên màn hình trông cũng mượt mà hơn.

Nếu bạn đã từng xem một đoạn video clip với đường truyền mạng yếu và đoạn video trông có vẻ hơi "giật giật", mà bạn có thể nhìn rõ từng khung hình thay đổi, thì đó cũng chính là hiệu ứng khi xem video trên màn hình có tốc độ làm tươi thấp. Các màn hình có tốc độ làm tươi cao cũng có thể phát các đoạn video có tốc độ khung hình (frame rate) cao hơn, nhờ đó hình ảnh hiển thị cũng mượt mà hơn.

Các màn hình máy tính tiêu chuẩn cơ bản có tốc độ làm tươi là 60Hz, nhưng trên thị trường bạn cũng có thể tìm mua những màn hình có tốc độ làm tươi lớn hơn, lên đến 144Hz hoặc thậm chí là 240Hz, 360Hz, 500Hz....

Màn hình ASUS TUF Gaming VG27AQ1A 27in/ 2K WQHD/ IPS/ 170Hz

Tần số quét cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hiển thị hình ảnh. Do đó, tốc độ làm tươi màn hình càng cao thì hình ảnh sẽ càng rõ nét và chân thực. Hơn nữa, nó còn giúp hình ảnh chuyển động mượt mà giúp mắt bớt mỏi khi xem trên màn hình. Đặc biệt khi chơi các game hành động, tốc độ quét màn hình càng cao thì càng nhanh hiển thị nhiều khung hình. Từ đó mang lại trải nghiệm chơi game cũng như kết quả trận đấu tốt hơn

Vậy từ những thông tin định nghĩa trên, phải chăng cứ mua màn hình có tốc độ làm tươi cao thì các bộ phim và trò chơi điện tử chơi trên đó sẽ hiển thị đẹp mắt hơn? Không hẳn là vậy.

Tốc độ làm tươi là tốc độ tối đa mà màn hình máy tính của bạn có thể thay đổi các hình ảnh tĩnh được hiển thị, nhằm tạo cảm giác hình ảnh đang thực sự chuyển động liên tục. Nhưng việc liệu các phần mềm có thực sự cung cấp được nhiều hình ảnh tĩnh đến như vậy cho màn hình hiển thị trong một đơn vị thời gian còn phụ thuộc vào thông số "tốc độ khung hình" (frame rate) của phần mềm đó. Nói tóm lại, tốc độ khung hình là số khung hình được gửi đến cho màn hình của bạn hiển thị trong một giây.

Để tận dụng được hết khả năng của những chiếc màn hình có tốc độ làm tươi lớn, máy tính của bạn cần phải gửi dữ liệu tới màn hình với tốc độ nhanh hơn. Đa số các phần mềm, chẳng hạn như nhóm các phần mềm phục vụ công việc hay xem phim, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi thông số tốc độ làm tươi màn hình. Bởi lẽ, đa số các bộ phim điện ảnh được chiếu ở tốc độ 24 khung hình trên giây (fps), và các màn hình tiêu chuẩn có tốc độ làm tươi 60Hz "thừa sức" đáp ứng được. Trong trường hợp này, do tốc độ khung hình mà máy tính xuất ra thấp hơn nên việc sắm một chiếc màn hình có tốc độ làm tươi cao cũng sẽ chẳng có tác dụng gì cả.

Tốc độ làm tươi quan trọng nhất đối với việc chơi game. Lợi ích của việc tăng từ 60Hz lên 120Hz hoặc 144Hz, 165Hz rất dễ nhận thấy với đa số các game thủ, đặc biệt là trong các game góc nhìn thứ nhất nhịp độ nhanh. Do các trò chơi điện tử kết xuất dữ liệu để gửi đến màn hình của bạn bằng card đồ hoạ, nên nếu card đồ hoạ của bạn có sức mạnh tính toán nhanh thì nó có thể gửi dữ liệu đến màn hình của bạn cũng nhanh hơn. Nhờ đó mà bạn có thể chơi trò chơi điện tử ở tốc độ khung hình cao, chẳng hạn như 100fps hay thậm chí còn lớn hơn nữa.

Khi kết hợp với tốc độ khung hình cao do GPU và CPU hoạt động cùng nhau tạo ra, chúng có thể khiến cho trải nghiệm trở nên mượt mà hơn và FPS tăng cao hơn.

Để tận dụng tần số quét cao hơn, ba thành phần quan trọng nhất mà bạn cần xem xét là:

  •      • Màn hình có khả năng làm Tần số quét nhanh chóng
  •      • Một CPU đủ nhanh để cung cấp các hướng dẫn game quan trọng bao gồm AI, cơ chế vật lý, logic game và dữ liệu kết xuất
  •      • GPU đủ nhanh để thực thi các hướng dẫn này một cách nhanh chóng và tạo ra đồ họa mà bạn quan sát thấy trên màn hình

Màn hình chỉ có thể hiển thị hình ảnh ở tốc độ mà hệ thống tạo ra vậy nên CPU và GPU của bạn cần phải có khả năng hoàn thành quá trình này một cách nhanh chóng. Nếu CPU và GPU của bạn không thể cung cấp cho màn hình số lượng khung hình đủ cao thì màn hình của bạn sẽ không thể tạo ra hình ảnh có tần số quét cao bất kể thông số kỹ thuật của nó tốt đến mức nào.

Hiện tượng "xé màn hình" (Screen Tearing)

Do thông số tốc độ khung hình của phần mềm và tốc độ làm tươi của màn hình không phải lúc nào cũng trùng khớp, do đó nảy sinh ra một vấn đề khá phổ biến khi chơi game, đó là hiện tượng "xé màn hình" (screen tearing). Hiện tượng này xảy ra khi card đồ hoạ gửi dữ liệu hình ảnh với tốc độ cao hơn tốc độ làm tươi của màn hình. Nếu bạn thử chơi trò chơi có tốc độ khung hình cao với một chiếc màn hình có tốc độ làm tươi thấp, thì chắc chắn bạn sẽ gặp phải vấn đề này. Hình ảnh hiển thị sẽ giống như kiểu bị "xé toạc" ở một (hoặc một vài) vị trí nhất định, mỗi vị trí lại hiển thị một phần hình ảnh khác nhau, không thống nhất (xem ảnh minh hoạ).

Để tránh hiện tượng này, đa số các phần mềm trò chơi hiện đại đều có chức năng tự động điều chỉnh tốc độ khung hình không vượt quá tốc độ làm tươi tối đa của màn hình đang được sử dụng. Do đó nếu bạn đang sử dụng màn hình có tốc độ làm tươi là 60Hz, thì các trò chơi của bạn sẽ không chạy với tốc độ khung hình vượt quá 60fps.

Ngoài ra, còn có các giải pháp khác cho hiện tượng này, chẳng hạn như các công nghệ G-Sync, V-Sync và Freesync. Bạn nên tìm đọc các bài viết chuyên sâu về trò chơi điện tử để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ này.

Màn hình có tốc độ làm tươi cao sẽ giúp ích cho nhóm đối tượng nào nhiều nhất?

Nhóm người dùng được "hưởng lợi" nhiều nhất từ những chiếc màn hình có tốc độ làm tươi lớn là các "vận động viên thể thao điện tử". Với những trò chơi đối kháng, bắn súng FPS như CS:GO, Valorant hay Overwatch, tốc độ làm tươi màn hình lớn đồng nghĩa với những hình ảnh mượt mà hơn, và người chơi có thể dễ dàng theo dõi các pha hành động tốc độ cao hơn. Một số người chơi cho biết màn hình có tốc độ làm tươi lớn sẽ giúp họ ngắm bắn các mục tiêu dễ dàng hơn, nhưng thực tế còn phải tuỳ vào "thị lực" của mỗi người.

Vấn đề ở đây nằm ở "sự mờ chuyển động". Khi mắt chúng ta nhìn vào một chuỗi những khung hình chuyển động nhanh, thì não bộ sẽ tự động "điền" bổ sung hình ảnh còn thiếu giữa các khung hình, tạo cảm giác như là một đoạn video liên tục chứ không phải là một chuỗi các hình ảnh tĩnh nữa. Nhưng sự "tự bổ sung" này lại dẫn đến tình trạng "mờ chuyển động". Nếu càng có nhiều hình ảnh được gửi đến não bộ của chúng ta trong cùng một đơn vị thời gian (tức là có nhiều khung hình hiển thị với tốc độ cao hơn), thì chuyển động trông cũng sẽ sắc nét hơn.

Những game thủ chuyên nghiệp sẽ còn gặp tình trạng "lag", hay "độ trễ" giữa thời điểm người chơi thực hiện thao tác (như các chuyển động chuột hay thao tác nhấn bàn phím) và thời điểm mà hiệu quả của các thao tác ấy xuất hiện trên màn hình. Những màn hình có tốc độ làm tươi lớn sẽ có thể giảm thiểu tình trạng "lag" bởi nó có thể làm giảm khoảng thời gian trễ giữa thao tác của người chơi và hiển thị màn hình. Mặc dù khoảng thời gian khác biệt này thường rất nhỏ, chỉ khoảng vài mili giây, song trong các game đối kháng, chừng ấy thời gian đã đủ để làm nên sự khác biệt.

Bạn không nhất thiết phải mua màn hình có tần số quét cao nhất mà hệ thống của bạn có thể hỗ trợ. Thay vào đó, hãy tìm kiếm một màn hình cung cấp sự kết hợp các tính năng phù hợp với bạn. Hãy ưu tiên tìm kiếm màn hình có tần số quét, độ phân giải, kích thước màn hình và tỷ lệ khung hình phù hợp với khả năng hoạt động của máy tính.

► CÁC MẪU MÀN HÌNH CỦA MYBOSS TẠI LINK

Các thương hiệu lớn