024 668 996 96 Tổng đài miễn phí
0

Steam, Epic, Paypal cùng hàng loạt tên tuổi khác bị 'bay màu' khỏi Indonesia

Cập nhật: 01-08-2022 05:37:02 | TIN TỨC CÔNG NGHỆ | Lượt xem: 3587

Loạt dịch vụ như Yahoo, PayPal, Steam hay Epic Games vừa bị chặn tại Indonesia do không đăng ký giấy phép hoạt động với chính phủ nước này.

Trong bộ luật mới phát hành của chính phủ Indonesia về việc kiểm duyệt nội dung thì các dịch vụ nói trên đã không tuân thủ quy định của nước sở tại. Trước đây Indonesia cũng đã kiểm duyệt rất gắt gao nhưng dường như họ đang còn muốn kiểm soát kỹ hơn nữa. Theo công ty phân tích ngành công nghiệp trò chơi Niko Partners, Kominfo có bốn mục tiêu chính với quy định.

+ Thiết lập một hệ thống các PSE hoạt động ở Indonesia
+ Duy trì không gian kỹ thuật số của Indonesia
+ Bảo vệ quyền truy cập công khai trên các nền tảng kỹ thuật số
+ Tạo ra công bằng giữa các PSE trong nước và nước ngoài, bao gồm cả về thu thuế

Trước đó, Indonesia đã đưa ra thời hạn cuối là ngày 27/07/2022 để các công ty được xếp vào nhóm “nhà cung cấp hệ thống điện tử tư nhân” (Private Electronic System Providers) phải đăng ký cơ sở dữ liệu với chính phủ. Sau thời hạn này, tất cả các công ty không thực hiện đều bị chặn truy cập.

Các gã khổng lồ công nghệ như Apple, Google, Microsoft, Amazon, TikTok, Twitter, Spotify hay Netflix đều đã đăng ký với chính phủ Indonesia. Ngoài ra, các trò chơi phổ biến Mobile Legends và PUBG Mobile ở thị trường Indonesia cũng đang trải qua quá trình đăng ký PSE. Trong khi đó những cái tên như PayPal, Steam, Epic Games vừa chưa thực hiện nên đã bị chặn dịch vụ. Việc này sẽ khiến người dùng tại Indonesia không thể truy cập vào các trò chơi trên nền tảng Steam hay Epic Games, hoặc sử dụng dịch vụ của PayPal, Yahoo,…

Vào năm 2020, chính phủ Indonesia đã ban hành bộ luật MR5 để có quyền truy cập vào có được dữ liệu người dùng tại quốc gia này, cũng như buộc các công ty xóa những nội dung bất hợp pháp, gây rối trật tự công cộng hay “không phù hợp.” Tất cả các nền tảng, dịch vụ và công ty liên quan phải thực hiện các yêu cầu khẩn cấp của chính phủ trong vòng 4 giờ đồng hồ; còn với các nội dung không khẩn cấp thì họ có 24 giờ đồng hồ để xử lý.

Theo Reuters, động thái chặn các website không đăng ký giấy phép tại Indonesia gây làn sóng phản ứng dữ dội trên Internet. Các hashtag như #BlokirKominfo (chặn Bộ Truyền thông), #EpicGames hay #PayPal trở thành xu hướng trên Twitter tại Indonesia.

Nhiều bình luận cho rằng điều đó làm tổn hại đến ngành công nghiệp game của Indonesia, và những người làm việc tự do (freelancer) sử dụng PayPal. Các dịch vụ bị chặn tại hiện Indonesia chưa đưa ra phản hồi. Hồi 2021, Tổ chức Quyền Kỹ thuật số EFF đã gửi một bức thư đến Bộ Thông tin & Truyền thông của Indonesia kêu gọi bãi bỏ bộ luật này vì nó "vi phạm đến quyền tự do của con người".

Với hơn 200 triệu người dùng Internet cùng dân số trẻ, Indonesia là một trong những thị trường lớn của các nền tảng Internet.

Đây không phải quốc gia duy nhất gây khó cho các hãng công nghệ. Trung Quốc và Nga thường xuyên yêu cầu Meta hay Twitter kiểm duyệt nội dung. Năm 2021, Twitter vướng vào tranh cãi với chính phủ Ấn Độ liên quan đến lệnh cấm đăng tweet về biểu tình.

 

Nguồn tham khảo: VOV.vn

Các thương hiệu lớn